Bệnh nhiệt miệng có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên nó sẽ gây khó khăn cho việc ăn uống và sinh hoạt cá nhân của người bị, đôi khi dẫn đến mất ngủ, rối loạn tiêu hóa. Do đó việc trang bị cho mình những kiến thức hữu ích về căn bệnh này là vô cùng cần thiết.
1Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì những cách chữa nhiệt miệng từ những thực phẩm xung quanh chúng ta cũng vô cùng hiệu quả đấy.
1/Pha nước súc miệng
Một công thức vô cùng đơn giản: 1 thìa baking soda + 2 muỗng nước ép lô hội + 1/2 cốc nước ấm. Súc miệng bằng cách nhấp từng ngụm nhỏ cho đến khi hết. Lưu ý là bạn không được nuốt chúng đâu đấy, pha và súc miệng mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm viêm và giảm đau một cách nhanh chóng, nên thực hiện ít nhất một ngày một lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Hoặc cách đơn giản hơn, bạn chỉ cần pha nước súc miệng bằng nước muối: hòa 1/2 thìa muối trong một cốc nước ấm, súc miệng thường xuyên cũng sẽ giảm tình trạng nhiệt miệng.
2/Chườm lạnh
Đây là cách chữa thông thường nhưng đem lại hiệu quả rất tốt, bạn chỉ cần ngậm 1 viên đá nhỏ. Đá lạnh sẽ ngăn quá trình máu đến vết loét nên sẽ giảm sưng và đau.
3/Giấm táo
Trong giấm táo có chứa axit acetic có khả năng diệt vi khuẩn, được coi như một kháng sinh tự nhiên đối với căn bệnh nhiệt miệng này. Bạn chỉ cần lấy một chút giấm táo rồi pha với nước ấm theo tỉ lệ 1:2 sau đó súc miệng mỗi ngày, các vết loét miệng sẽ nhanh chóng biến mất.
4/Trà túi lọc
Lấy trà túi lọc ướt đắp vào vết loét trong miệng sẽ có tác dụng giảm đau và viêm rất tốt nhờ những chất tannin có trong chúng.
5/Mật ong và nghệ
Bộ đôi nghệ và mật ong có tính chất kháng khuẩn và kháng viêm sẽ giúp loại bỏ những vết nhiệt miệng một cách nhanh chóng. Cách làm vô cùng đơn giản: lấy 2 thìa mật ong trộn đều với 1 thìa bột nghệ cho đến khi tạo thành một hỗn hợp sền sệt, bôi hỗn hợp này lên vết loét 2-3 lần/ngày.
6/Bột sắn dây
Bột sắn dây giúp cơ thể giải nhiệt rất tốt, giảm nhiệt miệng nhanh và hiệu quả. Mỗi ngày 2 ly bột sắn dây sẽ đánh bay căn bệnh khó chịu này.
7/Cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi là một trong những bài thuốc dân gian chữa nhiệt miệng rất hữu ích. Lấy một nắm nhọ nồi rửa sạch sau đó giã nhuyễn rồi cho vào ray lọc lấy nước, cho thêm vào đó 1 thìa mật ong. Dùng tăm bông thấm hỗn hợp rồi bôi lên các vết loét trong miệng. Chỉ vài ngày sau bạn sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
2Sử dụng thuốc khi bị nhiệt miệng
Khi đã áp dụng các biện pháp chữa nhiệt miệng tại nhà mà không hiệu quả, không khỏi sau 1 tuần hoặc tái phát thì bạn cần đến gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và sử dụng các loại thuốc bôi hoặc uống để điều trị. Bên cạnh đó là tăng cường sức đề kháng của bản thân, bổ sung thêm các nhóm C, B, A thì căn bệnh nhiệt miệng sẽ "tạm biệt" bạn chỉ trong vài ngày.
Trên thị trường có nhiều loại thuốc đặc trị cho loại bệnh này như thuốc bôi nhiệt miệng giúp giảm đau, giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng như Orracotia, Mouthpaste, Orrepaste, Kamistad Gel N, dạng súc miệng chứa chlorhexidine. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý dùng bất kì loại thuốc nào mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ, không nên lạm dụng quá nhiều.
3Những việc không nên làm trong thời gian bị nhiệt miệng
Không sử dụng nước súc miệng hay kem đánh răng có chứa Sodium Lauryl Sulfate: Sodium lauryl Sulfate là một chất tạo bọt gây nhiệt miệng và khiến nhiệt miệng bị tái phát. Người ta đã thực hiện một nghiên cứu tại Na Uy về mối quan hệ giữa Sodium lauryl sulfate và nhiệt miệng và kết quả cho thấy hiệu ứng biến tính của sodium lauryl sulfate trên lớp niêm mạc miệng. Khi chúng tiếp xúc với các tế bào mô cơ sẽ làm gia tăng nhiệt miệng. Do đó bạn nên hoàn toàn tránh sử dụng nước súc miệng và kem đánh răng có chứa chất này.
Hạn chế ăn các món ăn có gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu,... Đặc biệt không nên ăn thịt chó và các loại mắm; nói không với nước lạnh trong khoảng thời gian này.
4Các biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng hiệu quả
Khi đánh răng hay ăn uống tránh làm tổn thương niêm mạc miệng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối sau mỗi bữa ăn.
Đối với trẻ em nên hướng dẫn bé đáng răng đúng cách để bảo vệ niêm mạc miệng, không ăn uống tùy tiện, thức khuya, tập cho bé súc miệng bằng nước muối ấm mỗi tối.
Lượng nước cơ thể chúng ta cần mỗi ngày là từ 1,5-2 lít nước. Tuy nhiên những khi bị nhiệt miệng bạn cần cung cấp cho cơ thể một lượng nước nhiều hơn thế. Tăng cường các thực phẩm có tính mát giúp giải nhiệt, mát gan cho cơ thể như nấu nước ngô, nước rau má, sắn dây,... để giải nhiệt tốt hơn.
Hạn chế rượu, bia, các thực phẩm dầu mỡ như đồ chiên, rán, đồ ngọt,... Sử dụng nhiều hơn các loại rau củ quả và trái cây có tính mát như cam, quýt, dưa chuột,...
Hạn chế đồ cay nóng, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng như hiện nay. Chúng không chỉ khiến bạn bị loét miệng nặng hơn còn khiến da mặt nổi mụn, gây mẩn ngứa, tích tụ độc tố trong cơ thể.
Nhiệt miệng là căn bệnh chúng ta thường xuyên mắc phải, đặc biệt là trong những ngày hè nóng nực như hiện nay. Do đó, việc hiểu biết về căn bệnh và cách chữa trị sẽ rất cần thiết. Hãy bảo vệ sức khỏe của bản thân một cách tốt nhất nhé.